top of page

[COVID-19.P2] Giữa Lạc Quan Và Chủ Quan

  • Writer: Evelyn Nguyen
    Evelyn Nguyen
  • Mar 11, 2020
  • 5 min read

Updated: Apr 3, 2020



This post is also available in English.


Tháng trước mình có viết về dịch COVID19 trên Vietcetera, khi đó, mình đã giải thích về khía cạnh khoa học chủng virus này là gì, vì sao nó không quá nguy hiểm tới phần lớn dân số, cũng như so sánh COVID19 với các đại dịch khác trong lịch sử. Tại thời điểm đó, virus này gây hoang mang khi số ca nhiễm coronavirus ở Trung Quốc tăng lên từng giờ.


Ở thời điểm hiện tại, mình giữ nguyên dòng quan điểm mình đã viết trước đây (1) Coronavirus sẽ không gây chết người tới phần lớn dân số thế giới, và (2) Sự hoảng loạn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực (negative impact) tới việc giải quyết hệ quả của đại dịch.

Hôm nay, mình xin chia sẻ những thông tin mới có thể giúp chúng ta đỡ hoang mang phần nào.


 

(1) Thử nghiệm Vaccine 2019-nCovid tìm tình nguyện viên.

(ClinicalTrials.gov: NCT04283461)


Vaccine được sản xuất dưới dạng hạt siêu nhỏ (lipid nanoparticle), trong mỗi hạt mang vật chất di truyền mRNA tạo protein bề mặt của SARS-CoV-2. Protein bề mặt của 2019-nCovid mình đã giải thích ở bài báo trên Vietcetera. Tuy nhiên, từ lúc phát hiện được vaccine cho đến khi vaccine đến tay cộng đồng có thể mất ~1-1.5 năm.


(2) Tái sử dụng thuốc chống virus remdesivir vào điều trị COVID-19, giai đoạn 3, phát triển bởi Gilead.

(ClinicalTrials.gov: NCT04280705; NCT04292899 (ca nặng); NCT04292730 (ca vừa))


Remdesivir trước đây đã từng được thử nghiệm trên virus Ebola, SARS và MERS. Remdesivir được đánh giá là có hiệu quả trong việc kiểm soát các chủng coronavirus, bao gồm 2019-nCoV và hiện tại đã bước vào giai đoạn 3 trong thử nghiệm trên bệnh nhân. (Giai đoạn 3 là bước cuối trong quá trình phát triển thuốc mới trước khi được cho phép sản xuất và ban hành). Caveat của remdesivir, theo kết quả nghiên cứu, cho thấy thời điểm điều trị có thể rất quan trọng trong việc kiểm soát tổn thương phổi.



Mặc dù chúng ta có triển vọng trong việc ngăn ngừa và điều trị COVID-19, nhưng đó mới dừng ở hy vọng. Tại thời điểm hiện tại, việc chúng ta có thể làm là ý thức không được chủ quan. Vì sao lại thế? Sau 2 tháng theo dõi tin tức (và có quá nhiều tin tức), mình nhận thấy rằng chúng ta có thể vẫn đang miss a point. Dịch coronavirus không phải là về bạn, (vì khả năng cao nếu nhiễm bạn sẽ vẫn hồi phục được), nhưng nó là về những người xung quanh bạn, về y tế, đó là những người không có khả năng tự vệ sinh học.


Hôm nay, Mỹ đã có 752 ca nhiễm coronavirus, đứng thứ 8 trên bản đồ thế giới, với 26 ca tử vong. Cá nhân mình muốn dành vài phút chia sẻ nỗi lo lắng với tình hình kiểm soát dịch tại Mỹ, không phải lo lắng về con số, mà là về phương pháp. Mình cũng đã sinh sống và làm việc ở đây được 10 năm, nên mình mới có thể viết những dòng chia sẻ về Mỹ, và về vì sao với COVID-19, ngăn ngừa quan trọng hơn điều trị. Xin chia sẻ một chút, hiện tại mình đang làm việc tại bệnh viện ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK) ở New York. Đây là bệnh viện ung thư thứ 3 mình từng công tác, và là bệnh viện ung thư lớn nhất và lâu đời nhất thế giới. Có thể các bạn đã biết, bệnh nhân ung thư phải điều trị hoá/xạ trị/cấy ghép tuỷ... nên khả năng miễn dịch của họ suy giảm, và thời gian điều trị bệnh có thể lên đến hàng tháng hoặc năm, nên MSK đang thực hiện thể chế “better safe than sorry” (thà cẩn thận còn hơn xin lỗi). Đêm Thứ 6 tuần trước, bệnh viện đã yêu cầu tất cả nhân viên, bất kể bác sĩ, y tá, giáo sư… đều phải hoãn đi công tác trong hay ngoài nước, và đi du lịch cá nhân thì bị “strongly discouraged,” tức là tuy không cấm nhưng cũng rất không ủng hộ. Các buổi hội thảo đều đã bị huỷ đến tháng 5, và MSK tổ chức khoảng 13-20 buổi như vậy mỗi tuần.


Mấy hôm nay mẹ mình nhắn tin, không sao đâu con nước Mỹ cường quốc thế giới chắc chắn sẽ kiểm soát dịch tốt. Nhưng ômôna, ngày 5/3, Tổng Thống Trump vẫn nói rằng người dân nếu có triệu chứng vẫn có thể đi làm bình thường và không sao mà Trump đây rồi (MSNBC). OK, bác Trump và khoa học không đi cùng một con đường không sao, nhưng dưới đây là lí do vì sao bản thân mình và những đồng nghiệp trong lĩnh vực Y tế vẫn còn những lo ngại về dịch COVID-19 ở Mỹ:

1. Kit Lỗi: Những kit thử thuốc đầu tiên của Mỹ bị lỗi, dẫn đến việc chậm trễ trong việc thử nghiệm cho người dân.

2. Test Chậm: Tại thời điểm ban đầu, tất cả các TH thử covid-19 đều phải thực hiện bởi CDC, nên có thể sẽ mất vài ngày để ra được kết quả, dẫn đến chậm trễ trong phản ứng.

3. Tiêu Chí Test Quá Khắt Khe: Tiêu chí đánh giá để thử kit trên 1 đối tượng lây nhiễm rất khắt khe: bạn phải đi từ vùng dịch về và phải biểu hiện những triệu chứng nặng (i.e viêm phổi cấp, không thở được…). Nếu bạn chỉ sốt và ho thôi thì bạn về nhà nghỉ dưỡng bình thường và vẫn đi phương tiện giao thông công cộng bình thường, vì bạn không đáp ứng tiêu chí để CDC test COVID-19.

4. Bệnh Viện Thiếu Test: Ngày 3/3, người phụ trách phòng dịch của Mỹ, Phó Tổng Thống Mike Pence, tuyên bố tới 6/3 sẽ cung ứng đủ 1 triệu test cho ng Mỹ. Tuy nhiên, đến hôm đó, số kit được giao không đủ 1 triệu. CDC hiện tại không nắm rõ được con số chính xác có bao nhiêu người đã được test virus trên toàn quốc. Hiện nay, dân số nước Mỹ là 328 triệu người.

Bắt đầu từ 3/3, các lab của bang và bệnh viện mới được cho phép tự phát triển và sử dụng kit mà không cần phải gửi mẫu đến CDC (Lúc này, số ca nhiễm của thế giới đã là 90,000 người). Chính thế, ngày 2/3, Mỹ mới có 46 ca nhiễm nội địa, và chỉ sau 1 ngày được cho phép tự test, số ca đã tăng lên 79. Cũng hôm 3/3, New York mới có 2 ca mắc, bao gồm 1 người không đi du lịch nước ngoài và chưa từng tiếp xúc với ai bị nhiễm (đây là ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở bang). Trong vòng 7 ngày sau khi được tự làm test, New York đã phát hiện tới 142 ca.


Kết Luận


Như vậy, kể từ ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Mỹ ngày 20/1, Mỹ đã có gần 2 tháng để chuẩn bị và phản ứng, tuy nhiên Mỹ đã không tận dụng khoảng thời gian vàng này. Có lẽ “sự chủ quan” đã làm Mỹ chạy chậm hơn các nước khác, nên hiện tại Mỹ vẫn đang loay hoay sản xuất đủ số kit cho người dân.

Mình chỉ muốn nhấn mạnh một điều, con số không bao giờ đáng sợ, nhưng đại dịch này không phải là về bạn hay mình, những người trẻ khoẻ phơi phới, mà là về những người không có khả năng tự bảo vệ bản thân mình với hệ miễn dịch của họ. Đó chính là ý thức cộng đồng. Mặc dù đã có hy vọng trong việc điều trị và kiểm soát dịch Covid, điều tối quan trọng trong y tế công cộng chính là Ý THỨC KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN của chính phủ và cá nhân mỗi người, đúng cách và đúng thời điểm.


 

Vietcetera article | Coronavirus: When Breath Becomes Terror (February 13, 2020).

This post is also available in English.

Comments


©2017 BY THE WHITE SPACE

New York, NY 10065

bottom of page